P/E là gì? Cách tính chỉ số P/E

Trong đầu tư chứng khoán, ngoài các chỉ số như ROA, ROE,… thì một chỉ số tài chính cơ bản khác, được sử dụng hiệu quả trong định giá cổ phiếu chính là P/E. Vậy P/E là gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về P/E, cách tính chỉ số P/E, cũng như biết được chỉ số P/E bao nhiêu là tốt nhé!

Chỉ số P/E là gì?

P/E (Price to Earning Ratio – PER) là chỉ số dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu mang lại. Đây là một trong những chỉ số phổ biến, được niêm yết trên thị trường chứng khoán, biểu hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng chi trả để thu về một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó.

Ví dụ: 

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) hiện có P/E là: 21.33. Điều này có nghĩa là, nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra 21.33 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ MWG.

Chỉ số P/E của CTCP Đầu tư Thế giới Di động

Chỉ số này được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và sử dụng để đưa ra quyết định mua hay không mua một loại cổ phiếu, sau khi so sánh P/E giữa các công ty cùng ngành và đặc biệt là sau khi đã theo dõi xu hướng của chỉ số này trong một thời gian tương đối dài (3-5 năm).

Ý nghĩa chỉ số P/E

Như đã nhắc đến ở trên, P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư chấp nhận chi trả cho 1 đồng lợi nhuận thu về từ cổ phiếu đó. Đồng thời, P/E phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng cổ phiếu trong tương lai. Khi so sánh P/E của các công ty cùng ngành, nếu chỉ số P/E của một công ty cao hơn mức bình quân, có nghĩa là thị trường kỳ vọng công ty này sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới, chỉ số P/E càng cao thì kỳ vọng của thị trường vào lợi nhuận của công ty càng lớn. 

Ngược lại, khi nhà đầu tư ít hoặc không kỳ vọng vào khả năng sinh lời của công ty thì mức giá họ sẵn sàng bỏ ra khi mua cổ phiếu sẽ thấp, dẫn đến chỉ số P/E thấp, biểu hiện giá cổ phiếu này đang trên xu hướng giảm.

Ý nghĩa chỉ số P/E

Từ đó, chúng ta có thể rút ra được những ý nghĩa quan trọng của P/E như sau: 

  • Đối với chứng khoán nói chung: khi P/E kết hợp với P/B sẽ mô phỏng được bức tranh toàn cảnh về đồ thị cổ phiếu của một doanh nghiệp mà nhà đầu tư quan tâm. 
  • Đối với doanh nghiệp: thông qua chỉ số P/E, chủ doanh nghiệp có thể nhìn nhận lại tình hình hoạt động hiện tại của công ty mình. P/E càng cao, chứng tỏ công ty hoạt động càng hiệu quả và ngược lại. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra. 
  • Đối với nhà đầu tư: có thể xem P/E là một trong những chỉ số quan trọng mà nhà đầu tư cần phải hiểu rõ, để biết được nguồn vốn mà mình đầu tư vào doanh nghiệp đó có triển vọng hay không. Đồng thời, có thể so sánh và đối chiếu để lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận tốt nhất. 

Cách tính chỉ số P/E

Chỉ số P/E được tính theo công thức sau:

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (P)/Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)

Trong đó:

  • P: giá đóng cửa phiên giao dịch của cổ phiếu tại thời điểm đánh giá.
  • EPS: lợi nhuận bình quân của cổ phiếu tại thời điểm đánh giá.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không đưa EPS vào báo cáo tài chính vì điều này không bắt buộc, nhà đầu tư có thể áp dụng công thức dưới đây để tính EPS:

EPS =Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãiSố lượng cổ phiếu thường đang lưu hành

Ví dụ cách tính chỉ số P/E: 

Báo cáo tài chính Hợp nhất quý IV năm 2021 ngân hàng Vietcombank
  • Theo báo cáo tài chính Hợp nhất quý IV năm 2021 của Ngân hàng Vietcombank, ta có EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) = 5.907 triệu đồng
Lịch sử giá cổ phiếu VCB
  • Dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng quý IV năm 2021 (tức ngày 31/12/2021), ta có P = 78.800 đồng/cổ phiếu

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (P)Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) = 78.8005.907= 13.3 

Ngoài cách tính như trên, hiện nay có rất nhiều website tính sẵn cho bạn chỉ số P/E như Vietstock, Cafef,…

Xem chỉ số P/E ngân hàng Vietcombank

Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt?

Thông thường, nhiều nhà đầu tư mới sẽ cho rằng P/E càng cao thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ càng đắt so với thu nhập của nó. Ngược lại, tỷ lệ này càng thấp thì cổ phiếu càng rẻ. 

Hiện nay, vẫn chưa có một con số chính xác nào giúp nhà đầu tư căn cứ vào đó để đánh giá P/E. Mà nó còn phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản dưới đây!

  • Xét về yếu tố ngành nghề: chỉ số P/E chỉ có tác dụng khi được so sánh giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một lĩnh vực/ngành nghề. Cụ thể, một số ngành nghề như công nghệ viễn thông (11.2), năng lượng (10.7), thủy sản (10.4), vật liệu xây dựng (10), ngân hàng (13.01),… Vì thế, nhà đầu tư cần đối chiếu các công ty trong cùng một nhóm ngành mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất. 
  • Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp: hầu hết các nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức ổn định, và tăng cao liên tục qua các giai đoạn/thời kỳ (quá khứ, hiện tại và tương lai).
  • Chu kỳ kinh doanh: chu kỳ kinh doanh là một yếu tố mà bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đánh giá P/E. Vì thông thường, doanh nghiệp nào đang nằm trong giai đoạn đỉnh của chu kỳ kinh doanh thì sẽ có biên lợi nhuận cao, dẫn đến P/E thấp. Với những doanh nghiệp nằm ở đáy chu kỳ kinh doanh thì sẽ có biên lợi nhuận thấp, dẫn đến P/E cao. 

Ngoài ra, bạn cần phải lưu ý đến những yếu tố tác động khác như: mức độ lạm phát, lãi suất trái phiếu, mức độ rủi ro của doanh nghiệp (nợ, rủi ro trong kinh doanh),…

Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến mỗi chỉ số P/E để định giá cổ phiếu, thì nhà đầu tư nên cân nhắc đến các doanh nghiệp có P/E < 1/Lãi suất ngân hàng. Theo thực tế thị trường, P/E trong khoảng từ 5 – 12 được cho là bình thường. Khi lựa chọn cổ phiếu có P/E cao (>15), bạn phải đảm bảo được rằng, doanh nghiệp đó phát triển ổn định và vững mạnh trên thị trường.

Công thức định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Đối với các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng đều, công thức này bao gồm các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến P/E:

Công thức định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Trong đó:

  • g: tỷ lệ tăng trưởng cổ tức
  • b: tỷ lệ chi trả cổ tức
  • DIV: mức cổ tức được trả
  • r: tỷ suất sinh lợi đòi hỏi

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể tác động đến chỉ số P/E như P/E toàn thị trường, P/E toàn ngành, đòn bẩy tài chính,… và một số chỉ số tài chính khác như ROA, ROE, D/E,…

Ưu nhược điểm của phương pháp P/E

Ưu điểm

  • Định giá P/E là phương pháp đơn giản, dễ sử dụng.
  • Phổ biến với các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
  • Chỉ số P/E đánh giá kết quả kinh doanh của công ty (EPS) và xu hướng giá thị trường (P).
  • Nếu EPS tăng (P/E không đổi), thì cổ phiếu có thể tăng giá.

Nhược điểm

  • Phải xác định các doanh nghiệp cùng ngành và có quy mô tương đồng với doanh nghiệp đang muốn đánh giá.
  • Vì P/E bị tác động bởi EPS, mà EPS phản ánh lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, nên phương pháp này cũng phụ thuộc vào giá thị trường (P). Từ đó, khi đánh giá doanh nghiệp có thể sẽ dẫn đến sai số.
  • Chỉ số P/E có thể bị sai nếu cổ phiếu gặp biến động mạnh bởi thị trường.

Một số lưu ý về chỉ số P/E

P/E là một trong những chỉ số đơn giản, được nhiều nhà đầu tư vận dụng để định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, đây không phải là nhân tố quyết định đến lợi nhuận/thua lỗ, mà khi sử dụng bạn cần phải lưu ý những điều dưới đây!

  • P/E chỉ mang tính tương đối, vì thế để xác định được ngưỡng hợp lý nhà đầu tư nên so sánh kết hợp với các chỉ số tài chính khác như ROA, ROE,…
  • Khi đánh giá P/E, nhà đầu tư nên lưu ý đến các yếu tố như tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, lạm phát, rủi ro,… của doanh nghiệp.
  • Không nên dùng P/E là yếu tố quyết định trong việc định giá cổ phiếu.
  • Nên đánh giá P/E trong một khoảng thời gian dài (3-5 năm), vì mỗi thời kỳ khác nhau, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau.

Lời kết

Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức cần thiết về chỉ số P/E, cũng như biết được chỉ số P/E bao nhiêu là tốt. Đây là một trong những công cụ đánh giá, phân tích hiệu quả trong đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, để giao dịch đạt lợi nhuận cao hơn bạn nên trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán nhé! Chúc các bạn thành công!